Những điều bố mẹ không nên làm
- Khai sai lệch tuổi của trẻ: Theo quy định về tiêm chủng thì trẻ chỉ được tiêm khi đã đủ tuổi, không tiêm cho trẻ dưới tuổi. Lý do là các loại vắc xin đều được thử nghiệm để xác định tính an toàn và hiệu quả theo độ tuổi quy định.
Tương tự như vậy, hiện chưa có nghiên cứu nào xác định vắc xin Pfizer đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về an toàn và hiệu quả tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi. Do đó, khi đưa trẻ đi tiêm, bố mẹ nên khai đúng tuổi của trẻ.
Đừng vì nóng lòng muốn con được tiêm sớm hoặc nghĩ rằng con chỉ thiếu một vài tháng là đủ 5 tuổi nên khai báo sai lệch để con được tiêm. Tiêm vắc xin không đúng tuổi quy định không mang lại hiệu quả phòng bệnh cho trẻ mà còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
- Khai báo thiếu các bệnh lý nền, tiền sử dị ứng của trẻ: Theo quy định của Bộ Y tế, có các yếu tố cần quan tâm trong khám sàng lọc trước khi tiêm chủng vắc xin cho trẻ em.
Trong đó, phải trì hoãn tiêm đối với trẻ đang mắc các bệnh cấp tính, mãn tính tiến triển; Thận trọng khi tiêm với những trẻ có tiền sử dị ứng với bất cứ dị nguyên nào, trẻ bị rối loạn tri giác, rối loạn hành vi;
Phải chuyển khám sàng lọc, tiêm chủng tại bệnh viện với trường hợp trẻ mắc các bệnh bẩm sinh, mãn tính ở tim, phổi, hệ tiêu hóa, tiết niệu, máu; nghe tim, phổi bất thường; phản vệ độ 3 trở lên với bất kỳ dị nguyên nào.
Đặc biệt, sau khi tiêm mũi 1 hoặc xác định trẻ có phản ứng phản vệ với các thành phần vắc xin phòng COVID-19 thì sẽ chống chỉ định tiêm vắc xin cùng loại. Trẻ từng mắc COVID-19 cần trì hoãn tiêm trong 3 tháng từ ngày phát bệnh.
Do đó, bố mẹ cần nắm rõ tiền sử bệnh của con và khai báo chi tiết để quá trình khám sàng lọc và chỉ định tiêm được an toàn, tránh gây những tác dụng phụ đáng tiếc sau tiêm, gây ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe của trẻ.