Đối với một vài bé, sự lo lắng căng thẳng khi không có mẹ ở bên trong ngày đầu tiên đi học mẫu giáo sẽ làm cho việc đi học của bé trở nên khó khăn hơn nhiều.
Sợ hãi hay lo lắng là một phản ứng bình thường của trẻ khi đối mặt với những tình huống mới. Việc đáp ứng nhu cầu tâm sinh lý, tạo lập thói quen mới và khơi gợi những cảm xúc tích cực đối với việc đi học sẽ làm cho việc đến trường mỗi ngày của bé trở nên dễ dàng hơn.
Sự lo lắng căng thẳng khi không có mẹ ở bên trong ngày đầu tiên đến trường sẽ làm cho việc đi học của bé trở nên khó khăn hơn nhiều. Lúc này, sự kiên nhẫn và kiên định của mẹ chính là chìa khóa mang lại nụ cười cho cả hai mẹ con. Dưới đây là một số bước “tiếp thêm sức mạnh” cho bạn, để bé không còn khóc khi đến trường nữa.
Bước 1
Lắng nghe cảm nhận của bạn đối với việc giáo dục mầm non và việc cho bé đi học. Dù bạn có cố che giấu sự lo lắng hay sợ hãi khi cho bé đi học thì điều này cũng sẽ vô tình ảnh hưởng đến tâm lý đến trường của bé. Như vậy, việc cần làm đầu tiên chính là giải bài toán tâm lý của chính bạn bằng cách bạn nên tập trung nghĩ đến những giá trị tốt đẹp mà giáo dục mầm non mang lại để tạo ra một thái độ tích cực cho chính bạn.
Bước 2
Tập cho bé thói quen đi ngủ đúng giờ giấc để bé được nghỉ ngơi một cách đầy đủ. Ở độ tuổi này, thời gian ngủ lý tưởng là từ 10 đến 12 giờ mỗi ngày. Ngủ đủ giấc, bé sẽ vui vẻ đến lớp hơn mà không thấy mệt mỏi.
Bước 3
Cho bé ăn uống đầy đủ dưỡng chất vào mỗi buổi sáng vì khi bé đói, bé sẽ thấy mệt và rất dễ cáu gắt, khó chịu.
Bước 4
Mang theo một món đồ chơi, một tấm ảnh gia đình, thú bông nhỏ nhỏ hoặc bất kỳ thứ gì mà bé yêu thích nhằm giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn khi có những thứ này bên cạnh. Bạn nên trao đổi trước với giáo viên về việc này vì một số giáo viên không thích hoặc không cho phép bé mang đồ chơi hay vật dụng cá nhân đến trường.
Bước 5
Bạn cố gắng sắp xếp để mình có đủ thời gian dành cho con vào mỗi buổi sáng mà không cần phải vội vã vì điều này sẽ giúp hạn chế sự căng thẳng cho cả bạn và bé. Tranh thủ mọi khoảnh khắc để giúp bé cảm thấy sẵn sàng cho việc đi học một cách tích cực thoải mái.
Bước 6
Bạn cũng có thể cùng bé lên kế hoạch một ngày như thế nào, bạn sẽ đón bé vào thời điểm nào… Khẳng định chắc chắn thời gian bạn sẽ quay lại đón để bé cảm thấy an tâm hơn. Ví dụ, nếu buổi học sẽ kết thúc sau khi ăn trưa, nhắc nhở bé rằng bạn sẽ đến đón bé sau khi bé ăn xong.
Bạn cũng có thể thường xuyên trò chuyện với bé để tạo niềm hứng khởi đến trường.
Bước 7
Cho bé đến lớp sớm để bé có thể làm quen và dễ hòa nhập với không khí lớp. Đồng thời, bạn cần tạo điều kiện cho giáo viên tương tác với bé nhằm tạo dựng sự tin tưởng giữa cô và trò để cô có thể hỗ trợ bé tốt hơn trong lớp.
Bước 8
Khuyến khích bé chủ động làm quen với làm quen, tích cực tham gia các hoạt động tại lớp nhằm giúp bé bình tĩnh hơn và dần quên đi cảm giác lo lắng khi bạn rời bé.
Bước 9
Chào tạm biệt bé một cách đơn giản và nhanh gọn trước khi bạn rời khỏi lớp. Không nên chần chừ ở lại dù cho có bé năn nỉ bạn.Việc bạn lén bé ra về có thể sẽ làm cho bé cảm thấy hụt hẫng, buồn bã hay thậm chí là hoảng sợ khi bé phát hiện ra bạn đang vắng mặt.
Bước 10
Đến đón bé đúng giờ để bé nhận thấy là bạn giữ đúng lời hứa và không bỏ bé ở lại trường.
Bước 11
Nếu bé thường khóc khi bạn ra về, bạn nên nói chuyện với các giáo viên để các cô tìm cách giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn khi ở lại lớp mà không có bạn ở bên.
Ngoài ra, đối với trẻ mẫu giáo, có thể bạn sẽ thấy khó khăn khi cho bé đi học lại sau một kỳ nghỉ dài ngày. Kiên nhẫn và tiếp tục duy trì lịch trình mỗi ngày vì nó sẽ nhanh chóng giúp bé lấy lại “phong độ”.