1. Dạy con biết cách bình tĩnh, đứng yên tại chỗ để quan sát và tuyệt đối không đi theo người lạ
Khi trẻ bị lạc cha mẹ thì các con chắc chắn sẽ rất hoang mang, lo sợ. Cha mẹ hãy hướng dẫn con biết cách bình tĩnh, không được khóc vì khóc sẽ gây chú ý với những kẻ xấu, dặn con nên đứng yên một chỗ để quan sát và tìm kiếm sự giúp đỡ, nhưng tuyệt đối không đi theo người lạ.
2. Dạy con biết từ chối nhận đồ ăn, đồ chơi, quà của người lạ
Cha mẹ nên tập cho trẻ biết cách nói KHÔNG với người lạ. Dặn con đặc biệt cẩn trọng với những người lạ cứ dụ cho bé ăn quà, cho quà, dụ bé đi theo hay nhờ bé giúp làm một việc gì đó (bởi người lớn đàng hoàng thường sẽ chỉ nhờ một người lớn khác giúp mình). Cha mẹ hãy dặn con biết giữ khoảng cách với những người lạ đó.
Hãy nói với trẻ rằng chúng có thể la hét hoặc thét lên nếu bị người lạ lôi kéo, dắt đi. Dạy cho trẻ cách đối phó trường hợp đó là hét lên “Cứu với”, “Cháu không biết cô/ chú”. Bố mẹ cần tập cho trẻ cách la hét và kháng cự mạnh mẽ để thu hút sự chú ý của người xung quanh nếu thấy gần đó có người, những người xung quanh sẽ nhận thấy sự khác thường và can thiệp. Bé hãy chạy thật nhanh đến chỗ có nhiều người lớn gần đó.
3. Dạy con cách tìm kiếm người giúp đỡ
Nguyên tắc “Không nói chuyện với người lạ” nếu không được chỉ dẫn đúng cách có thể đôi khi sẽ gây nguy hiểm cho trẻ, nó có thể làm cho con bạn ngần ngại, không dám nhờ giúp đỡ trong khi bản thân bé không tự xoay sở được. Đã có trường hợp người ta phải mất 4 ngày đêm mới tìm thấy một đứa bé chỉ vì bé đã cố gắng trốn tránh đội tìm kiếm.
Vì vậy, bạn hãy cho con biết cách phân biệt: con nên tìm đến ai để nhờ giúp đỡ và nên nói như thế nào? Hãy dặn con tìm đến những người có mặc đồng phục, đeo bảng tên (bạn nên chỉ cho bé thấy để dễ nhớ) đó là những người làm việc tại công viên hay cửa hàng… Bé cũng có thể tìm các chú công an, bảo vệ của trung tâm hay các bố mẹ đi cùng con nhỏ để nhờ giúp.
Về phía bố mẹ, bạn cũng cần nhanh chóng đi nhờ giúp đỡ khi không tìm thấy con. Nếu nghi ngờ con mình đã bị ai đó bắt đi, hãy nhờ sự giúp đỡ của cơ quan công an ngay lập tức!
4. Dạy con những thông tin cần nhớ
Các bậc cha mẹ cần hướng dẫn con ghi nhớ số điện thoại của mình, nhớ địa chỉ nhà và thường xuyên nhắc lại hàng ngày để kiểm tra để phòng khi trẻ bị lạc ...
Tuy nhiên khi hoảng sợ bé vẫn có thể quên những thông tin này, vì vậy:
- Với trẻ dưới 6 tuổi, cách tốt nhất là hãy luôn để con đem theo bên mình một mảnh giấy ghi tên và số điện thoại của bạn và của một người thân khác có thể liên lạc trong trường hợp khẩn cấp. Nhắc con nhớ rằng tờ giấy này bé phải cất kỹ và chỉ đưa cho người có trách nhiệm, có thể giúp bé.
5. Trang bị công cụ hỗ trợ cho con
Với trẻ dưới 6 tuổi, một mẹo nhỏ cũng khá hữu ích khi cho con đi chơi ở chốn đông người là hãy đưa cho trẻ chiếc còi đồ chơi và dặn chúng thổi mỗi khi bị lạc bố mẹ, bởi vì bạn có thể nghe âm thanh của chiếc còi từ khá xa đó.
6. Bạn hãy cố gắng giữ bình tĩnh, đừng phát hoảng lên
Bạn đừng phát hoảng lên khi con bị lạc, và dạy bé cũng làm như vậy. Giữ bình tĩnh là điều quan trọng nhất. Phát hoảng lên sẽ khiến bạn đưa ra những quyết định không tốt và có thể làm cho tình huống trở nên xấu hơn đi.
Hãy càng sớm càng tốt, tìm đến những người có trách nhiệm như quản lý quầy hàng hay bảo vệ, và bình tĩnh cung cấp cho họ những thông tin mô tả, tên, tuổi, nơi cuối cùng bạn thấy bé… Luôn giữ trong ví ảnh gần nhất của con để việc tìm kiếm dễ dàng hơn.
Cuối cùng, xin hãy nhớ rằng: mặc dù bạn rất hoảng sợ, thậm chí hết cả hồn vía khi con đi lạc nhưng sau đó đừng mắng mỏ, trách móc con... mà hãy củng cố tâm lý cho con vì bé cũng vừa trải qua những nỗi sợ hãi, sang chấn nhỏ. Hãy dịu dàng vỗ về con, cho con hiểu được việc đi lạc nguy hiểm thế nào và dặn con thật chú ý trong những lần sau bạn nhé.