Cúm A là bệnh gì?
Cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, bệnh thường lưu hành khi thời tiết chuyển mùa, thường vào mùa đông xuân với các chủng phổ biến như A/H1N1, A/H3N2, A/H5N1, A/H7N9 gây nên. Mùa hè không phải là thời điểm dịch cúm mùa bùng phát, do thời tiết khô nóng không thích hợp về điều kiện nhiệt độ, độ ẩm cho cho virus cúm có thể phát triển và gây bệnh. Tuy nhiên năm nay, khác với trước đây, ngành y tế ghi nhận số ca bệnh cúm tăng lên bất thường vào mùa hè. (1)
Virus cúm A có thể tồn tại lâu trong không khí, tồn tại trên các bề mặt lên tới 48 giờ, tồn tại nhiều năm ở trạng thái đông băng và tồn tại ít nhất 35 ngày ở nhiệt độ 4 độ C. Virus cúm A dễ bị giết chết ở nhiệt độ 60 độ trong 30 phút. Các chất tẩy rửa có chứa formalin, iodine cũng có tác dụng loại bỏ virus ở bề mặt. Trong điều kiện thuận lợi như con người sống gần các loại gia cầm như gà, vịt… virus có thể thay đổi kháng nguyên, tạo ra những chủng cúm A mới.
Đối tượng dễ nhiễm bệnh cúm A
Bất kỳ ai cũng có thể có nguy cơ mắc các chủng của cúm A, đặc biệt là trẻ em. Nguyên nhân khiến trẻ em là đối tượng dễ bị tấn công bởi virus cúm A: một là do trẻ chưa biết tự bảo vệ mình khi tiếp xúc với những người, môi trường xung quanh mang mầm bệnh (đeo khẩu trang, vệ sinh tay thường xuyên,…), trẻ tiếp xúc cùng nhau ở môi trường mầm non, trường học cũng là nơi mà virus cúm dễ lây lan; hai là do hệ miễn dịch của trẻ còn non yếu trong những năm tháng đầu đời.
Ngoài ra, những trẻ có bệnh lý mãn tính như mắc các bệnh về đường hô hấp (hen, bệnh phổi mạn), bệnh lý tim mạch, thần kinh, thận… một khi bị nhiễm cúm, nguy cơ sẽ diễn tiến nặng cao.
Tác nhân gây bệnh cúm A
Trẻ mắc cúm A do nhiễm virus cúm A, virus này có thể lây truyền trực tiếp từ người này sang người khác qua đường hô hấp. Tác nhân gây bệnh cúm A ở trẻ chủ yếu do các chủng virus như A/H1N1, A/H3N2, A/H5N1, A/H7N9,… gây nên. Virus cúm A có nguy cơ gây bệnh rầm rộ hơn và nhanh chóng lây lan thành dịch, với đặc trưng tính cảm thụ cao, thời gian ủ bệnh ngắn, lây lan nhanh và khả năng tồn tại lâu dài khiến bệnh nhi dễ mắc cúm A.
Bệnh cúm A ở trẻ em lây qua đường nào?
Virus cúm A rất dễ lây lan trong không khí. Khi người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện… dịch tiết từ mũi, họng hay các giọt bắn đều mang theo virus thoát ra môi trường bên ngoài, khi người lành chưa được chủng ngừa hít phải những giọt bắn có mang virus đó có thể nhiễm bệnh. Ngoài ra, các giọt dịch này khi vấy bẩn lên đồ ăn, vật dụng… cũng có thể truyền virus gây bệnh. Cúm A ở trẻ là bệnh có tốc độ lây lan cực nhanh do đó có thể gây nên đại dịch.
Triệu chứng cúm A ở trẻ
Theo bác sĩ Thiên Hương, triệu chứng ban đầu của trẻ nhiễm cúm A hay bệnh cúm mùa nói chung và các bệnh lây nhiễm do virus gây viêm đường hô hấp khác là tương tự nhau, trẻ đều có thể có sốt, gặp các triệu chứng viêm long đường hô hấp (như ho, hắt hơi, sổ mũi), đau họng, đau đầu, trẻ có dấu hiệu sợ ánh sáng và đau nhức mắt, đau cơ, nhức mỏi đặc biệt ở lưng và chân,… Do vậy, khi trẻ có những dấu hiệu này, cha mẹ thường dễ nhầm lẫn với những bệnh cảm lạnh thông thường vì vậy dẫn đến chậm trễ trong việc đưa trẻ đến khám và tiếp nhận điều trị thích hợp.
Tuy nhiên, ngoài những triệu chứng ban đầu nêu trên, cúm A ở trẻ em thường bị sốt cao từ 39-40 độ C, da mắt có hiện tượng xung huyết, họng đỏ xung huyết toàn bộ, trẻ mệt mỏi, chán ăn, quấy khóc. Nếu trẻ có cơn sốt cao liên tục 39-40 độ C khó hạ thì cần đưa trẻ đến viện thăm khám ngay. Nếu không kiểm soát được cơn sốt, trẻ có thể bị co giật.
Cúm A ở trẻ có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm: viêm phổi, viêm tai giữa, viêm cơ tim, viêm não, hen phế quản kịch phát… gây tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Bố mẹ cần lưu ý và theo dõi tình hình sức khỏe của bé một cách cẩn thận, khi gặp các triệu chứng nặng cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và theo dõi. Một số triệu chứng nguy hiểm khi trẻ bị cúm A bao gồm:
- Thở nhanh, thở rút ngực, khó thở;
- Mặt xanh xao, da và môi tái nhợt;
- Trẻ có dấu hiệu nôn liên tục;
- Trẻ bị đau ngực;
- Xuất hiện co giật;
- Tiểu ít hoặc bé không có nước tiểu trong vòng 8 giờ;
- Li bì, thay đổi tri giác, bỏ bú;
- Sốt cao khó hạ…
Phương pháp chẩn đoán bệnh cúm A ở trẻ nhỏ
để chẩn đoán cúm A ở trẻ nhỏ, bác sĩ sẽ thực hiện hỏi bệnh sử về các triệu chứng, yếu tố tiếp xúc với nguồn bệnh, kết hợp khám lâm sàng. Bên cạnh đó, một số phương pháp xét nghiệm như RT-PCR, các xét nghiệm phát hiện kháng nguyên, miễn dịch huỳnh quang,… cũng có thể được bác sĩ chỉ định trong chẩn đoán.
- RT-PCR: Được biết đến là phương pháp mang tính chuẩn xác để kiểm tra và giúp phân loại virus cúm, kết quả chính xác được trả trong vòng 4-6 tiếng. Hiện nay phương pháp này được dùng phổ biến trong việc chẩn đoán nhiễm cúm.
- Miễn dịch huỳnh quang: Phương pháp này có độ chính xác thấp hơn PT-PCR, tuy nhiên kết quả trả về lại nhanh hơn.
- Xét nghiệm nhanh (RIDTs): Phương pháp này cho kết quả cực nhanh chỉ sau 10-15 phút lấy mẫu bệnh phẩm, tuy nhiên kết quả không chính xác như các loại xét nghiệm khác, vì vậy khi kết quả xét nghiệm âm tính người bệnh vẫn có khả năng bị cúm. Hiệu suất xét nghiệm còn phụ thuộc vào độ tuổi, thời gian mắc bệnh và chủng loại virus gây bệnh.
- Phân lập virus: Đây không phải xét nghiệm sàng lọc, tuy nhiên trong thời gian bệnh cúm bùng phát nên được thực hiện trên các mẫu bệnh phẩm ghi nhận được. Phương pháp này ít được thực hiện vì yêu cầu có phòng vi sinh hiện đại.
- Xét nghiệm huyết thanh: Phương pháp này được thực hiện nhằm mục đích phục vụ cho nghiên cứu, không thực hiện thường quy trong chẩn đoán lâm sàng điều trị bệnh.
Độ nhạy và đặc hiệu của các xét nghiệm còn tùy thuộc vào quy trình lấy mẫu, loại bệnh phẩm và chất lượng mẫu bệnh phẩm, thiết bị phòng xét nghiệm, loại xét nghiệm sử dụng và tay nghề của chuyên viên.
Cách điều trị cúm A ở trẻ em
Nếu được điều trị đúng cách, đa phần trẻ bị cúm A sẽ khỏi sau khoảng 7-10 ngày. Hầu hết các trường hợp sẽ được chỉ định điều trị tại nhà, trong một số ít trường hợp có diễn biến nặng cần được điều trị tại bệnh viện với các bác sĩ và nhân viên y tế. Sau khi thăm khám, bác sĩ sẽ quyết định xem trường hợp của trẻ nên được điều trị tại nhà hay tại cơ sở y tế.
1. Điều trị cúm A tại nhà
Trong trường hợp trẻ mắc cúm A thể nhẹ, không biến chứng, thường sẽ được chỉ định điều trị cúm A ở trẻ tại nhà. Bố mẹ cần theo dõi bé sát sao kết hợp sử dụng thuốc theo liều bác sĩ kê và có chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng hợp lý với bé.
- Cho bé nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc để lấy lại sức;
- Sử dụng nước ấm để tắm cho bé, không để bé ngâm nước quá lâu;
- Cho trẻ bú mẹ, sữa mẹ có nhiều dưỡng chất và cung cấp kháng thể giúp bé khỏe mạnh và chống chọi với cúm A;
- Phụ huynh có thể dùng nước muối sinh lý để vệ sinh đường thở cho bé, giảm dịch nhầy giúp bé dễ thở hơn;
- Cho trẻ tắm nắng đúng cách để bổ sung thêm vitamin D, việc này có ích trong việc tăng cường đề kháng và giúp bé nhanh khỏi bệnh;
- Sử dụng các thuốc giảm đau, hạ sốt theo liều chỉ định của bác sĩ, không tự ý dùng thuốc không có trong kê toa;
- Uống nhiều nước, bổ sung thêm các vitamin nhóm B,C;
- Cho bé mặc quần áo thấm hút mồ hôi, thoáng;
- Người chăm sóc cho bé bị cúm A cần giữ vệ sinh, tay chân cần rửa sạch sẽ;
- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người nhà để tránh lây nhiễm chồng chéo;
Nếu trong khoảng 7 ngày điều trị mà các triệu chứng không thuyên giảm, phụ huynh cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám, theo dõi và điều trị.
Trong trường hợp bác sĩ chẩn đoán trẻ mắc cúm, Một số thuốc kháng virus như oseltamivir (Tamiflu) hay zanamivir (Relenza) sẽ được chỉ định sử dụng cho trẻ, các thuốc này có tác dụng giúp ngăn chặn virus lây lan rộng trong cơ thể.
Phụ huynh cần lưu ý, tuyệt đối không tự ý mua và cho trẻ uống thuốc trị cúm A hoặc kháng sinh nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.
2. Điều trị cúm A tại cơ sở y tế
Với trường hợp trẻ có tiến triển nặng, phụ huynh cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế có chuyên khoa Nhi để được khám, điều trị sử dụng thuốc phù hợp với tình trạng của bé. Lưu ý bố mẹ không tự ý mua thuốc để về sử dụng cho trẻ, tránh trường hợp trẻ bị dùng sai thuốc dẫn đến không hiệu quả trong điều trị, kháng thuốc.
Biến chứng trẻ em bị cúm A
Theo bác sĩ Thiên Hương, “Cúm A ở trẻ nguy hiểm vì bệnh có thể dẫn đến tử vong trực tiếp. Trong thể lâm sàng siêu vi cúm gây bệnh cho người có 2 thể: một thể cúm thông thường thường rất nhẹ và có thể tự khỏi, tuy nhiên cũng có một tỷ lệ rất nhỏ khoảng 10% người mắc bệnh cúm nặng có biến chứng: viêm phổi, viêm cơ tim, viêm não,…
Một số trường hợp siêu vi cúm không gây tổn thương trực tiếp nặng nề nhưng nó tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn khác xâm nhập. Cụ thể hơn, siêu vi cúm gây tổn thương tế bào niêm mạc đường hô hấp dưới, vi trùng có trong điều kiện bệnh viện hoặc điều kiện cộng đồng xâm nhập vào đó như phế cầu, gây ra bệnh viêm phổi rất nặng. Hoặc nó cũng tương tác trên một số nhóm cơ địa đặc biệt, như trẻ con mắc các bệnh lý tim mạch phải uống thuốc thường xuyên (aspirin) thì virus cúm có thể gây ra tương tác tạo ra hội chứng reye, tổn thương ở gan, não.”
Ở trẻ, bệnh nặng và tử vong xảy ra chủ yếu ở những nhóm có nguy cơ cao như trẻ nhỏ, trẻ mắc bệnh mãn tính như bệnh tim mạch, hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, béo phì, suy giảm miễn dịch, bệnh lý bẩm sinh.
Cách phòng ngừa cúm A ở trẻ em
1. Chủng ngừa
Y tế thế giới đã nói về cúm rằng đây là một thử thách của con người và y học, vì nó đã xuất hiện từ rất lâu nhưng cho đến bây giờ vẫn chưa có bất cứ giải pháp tối ưu trong việc điều trị đặc hiệu. Hiện tại chỉ có một giải pháp tích cực nhất là chủng ngừa. Việc chủng ngừa được khuyến cáo từ trẻ 6 tháng tuổi trở lên và nên chích nhắc lại hằng năm.
Virus cúm luôn đột biến, mỗi năm vaccine cúm ra đời với cập nhật các chủng virus cúm mới giúp ngăn chặn dịch cúm xảy ra.
Dựa trên nghiên cứu của Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ) được thực hiện mỗi năm nhằm xác định mức độ bảo vệ của vaccine cúm đối với bệnh cúm cho thấy, việc tiêm vaccine cúm giúp giảm đến 80-90% tỷ lệ mắc bệnh. Một nghiên cứu khác vào năm 2014 cho thấy, tiêm phòng giảm nguy cơ nhập viện điều trị và giảm 74% nguy cơ diễn tiến nặng phải nhập khoa hồi sức nhi trong các mùa cúm 2010-2012; giảm 80% tử vong liên quan đến cúm (theo nghiên cứu năm 2018); giảm chi phí về y tế và tình trạng mất khả năng lao động do mắc bệnh cúm; đặc biệt giảm gánh nặng lên hệ thống chăm sóc sức khỏe đang bị quá tải do Covid-19 và các bệnh về đường hô hấp khác.
Theo các chuyên gia, phụ nữ mang thai cần tiêm ngừa cúm đầy đủ trước và trong thai kỳ để đảm bảo an toàn cho mẹ và thai nhi, việc mẹ bầu được tiêm vaccine cúm đầy đủ có thể duy trì được miễn dịch cho em bé ngay sau khi sinh, khi trẻ chưa đến tuổi có thể tiêm phòng vaccine, ngoài ra, việc tiêm vaccine cần được thực hiện với những người thân trong gia đình, nên duy trì tiêm cúm và tiêm nhắc hàng nưng, việc tiêm chủng cúm đầy đủ giúp tạo cơ chế “tổ kén” để bảo vệ trẻ nhỏ và chính bản thân mình.
2. Các biện pháp phòng ngừa khác
Kết hợp tiêm phòng cúm, phụ huynh có thể thực hiện một số biện pháp phòng cúm hiệu quả được các chuyên gia y tế khuyến cáo:
- Khi có người bị cúm cần cho trẻ giữ khoảng cách với người bệnh. Lưu ý đeo khẩu trang, khử khuẩn hạn chế cho trẻ đến những nơi đông người trong thời gian cúm A ở trẻ bùng phát.
- Che miệng và mũi khi ho, tăng cường vệ sinh cá nhân, có thói quen rửa tay bằng xà phòng thường xuyên để khử khuẩn.
- Vệ sinh khu vực nhà ở và nơi làm việc, nên để không gian thông thoáng khí, bề mặt vật dụng trong gia đình nên được vệ sinh bằng các chất tẩy rửa lành tính.
- Tự theo dõi sức khỏe hằng ngày của bản thân và trẻ, nếu gia đình có thành viên có biểu hiện sốt, ho, đau họng… cần thông báo cho trường học, nơi công tác và đến bệnh viện để thăm khám.
Cúm A ở trẻ không phải là một bệnh nhẹ và lành tính đối với trẻ em. Phụ huynh cần thực hiện tốt những biện pháp phòng ngừa một cách chủ động như tiêm vaccine cho trẻ đúng lịch đủ mũi, thực hiện thói quen sinh hoạt tốt để bảo vệ sức khỏe của trẻ và gia đình.