Trò chơi Bịt mắt bắt dê
- Chuẩn bị: Một chiếc khăn dài và lựa chọn một không gian chơi rộng rãi, bằng phẳng.
- Tác dụng: Rèn luyện sự tập trung cao độ cho bé, khả năng nhạy bén của thính giác và sự phán đoán của trẻ.
- Luật chơi:
- Chọn ra một người bị bịt mắt, yêu cầu mắt phải được bịt kín.
- Người chơi không được nhắc cho người bị bịt mắt đến chỗ nào để bắt dê.
- Không được đi ra khỏi khu vực đã được quy định.
- Người bịt mắt bắt được dê thì người làm dê sẽ được thay đổi vị trí chơi.
- Khi người bịt mắt hô “bắt đầu” thì những người làm dê sẽ chạy xung quanh người bịt mắt cho đến khi người bịt mắt hô “đứng lại”, người làm dê phải đứng lại. Người bịt mắt đi xung quanh và dùng tay để bắt một người bất kỳ.
- Người làm dê có thể cố tạo ra tiếng động hoặc chọn cách im lặng để người bịt mắt mất phương hướng khó phán đoán.
- Cứ chơi như vậy cho đến khi người bịt mắt bắt được và đoán đúng tên một ai đó thì người đó phải thế chỗ cho người bịt mắt. Nếu không bắt được ai, người bịt mắt phải hô lại “bắt đầu” để mọi người di chuyển.
- Không gian chơi phải rộng rãi, không có bất cứ đồ vật nào cản trở. Không nên chơi ở những nơi tiềm ẩn các yếu tố nguy hiểm như: lề đường, ban công, nhà bếp,…
- Lựa chọn thời gian phù hợp để chơi.
2. Trò chơi Rồng rắn lên mây
- Chuẩn bị: Không gian chơi rộng rãi, bằng phẳng.
- Tác dụng: Giúp bé rèn luyện tính linh hoạt, nhanh nhẹn, biết yêu thương, giúp đỡ và bảo vệ những người thân xung quanh mình.
- Luật chơi:
- Chọn ra người làm thầy thuốc và người đứng đầu Rồng rắn
- Người đứng đầu sẽ phải dang tay che chở cho người phía sau để không bị bắt.
- Người bị thầy thuốc bắt hoặc bị tuột ra khỏi đoàn sẽ phải thay vị trí của người làm thầy thuốc
- Cách chơi: Thầy thuốc ở phía trên, những người còn lại xếp hàng một, tay người sau nắm vạt áo người trước. Sau đó tất cả bắt đầu nối tiếp nhau đi vòng tròn vừa đi vừa hát bài đồng dao:
“Rồng rắn lên mây
Có cây lúc lắc
Hỏi thăm thầy thuốc
Có nhà hay không?”
Người đóng vai thầy thuốc trả lời:
- Thầy thuốc đi chơi! (hoặc thầy thuốc đi đâu đó như đi mua cá, mua thịt, vắng nhà...)
Mọi người lại đi và hát tiếp cho đến khi thầy thuốc trả lời:
Thầy thuốc hỏi:
Người đứng đầu trả lời:
- Rồng rắn đi lấy thuốc để về chữa bệnh cho con.
- Con lên mấy?
- Con lên một.
- Thuốc chẳng hay
- Con lên hai.
- Thuốc chẳng hay.
………………………………………….. ….
Cứ thế cho đến khi:
- Con lên mười.
- Thuốc hay vậy.
Tiếp đó thầy thuốc đòi hỏi:
- Cho ta xin khúc đầu.
- Toàn xương toàn xẩu.
- Cho ta xin khúc giữa.
- Toàn máu toàn me.
- Cho ta xin khúc đuôi.
- Tha hồ mà đuổi.
Nói xong, thầy thuốc sẽ phải tìm cách bắt được người cuối cùng trong hàng. Người đứng đầu phải dang hai tay ra, vừa chạy vừa cố ngăn cản không cho thầy thuốc bắt được cái đuôi của mình. Trong lúc đó người đứng cuối hàng cũng phải chạy và tìm cách né tránh thầy thuốc. Nếu thầy thuốc bắt được người cuối cùng thì người đó phải ra thay vị trí làm thầy thuốc.
- Lưu ý khi chơi: Chọn địa điểm và thời gian phù hợp để tổ chức trò chơi: nơi có diện tích tương đối rộng và bằng phẳng...
- 3. Trò chơi Chi chi chành chành
- Tác dụng: Luyện cho bé phản xạ nhanh nhẹn của bàn tay, sự tập trung của mắt và tai.
- Luật chơi: Một người sẽ xòe bàn tay của mình ra để những người còn lại đặt ngón trỏ vào lòng bàn tay của mình. Nếu ngón trỏ của người nào bị bắt lại thì sẽ thua cuộc.
- Cách chơi: Khi mọi người đã đặt ngón trỏ vào lòng bàn tay của người xòe tay, người xòe tay sẽ đọc bài thật nhanh bài đồng dao sau:
“Chi chi chành chành
Cái đanh thổi lửa
Con ngựa chết chương
Ba vương ngũ đế
Chấp dế đi tìm
Ù à ù ập.”
Đọc đến chữ “ập” người xòe tay ngay lâp tức nắm lại, những người khác phải nhanh chóng rút tay ra thật nhanh, ai rút không kịp bị nắm trúng là người thua cuộc. Người xòe tay có thể đọc câu cuối chậm lại để tăng độ khó cho các thành viên khác khi rút tay ra.
- Lưu ý khi chơi: Khi chơi trò này, cả ba mẹ và bé không nên đeo hoặc gắn những thứ có thể gây ra sự tổn thương cho tay.
4. Trò chơi Tập tầm vông
- Chuẩn bị: Một đồ vật nhỏ vừa lòng bàn tay như: viên bi nhỏ, viên sỏi nhỏ,...
- Tác dụng: Rèn luyện khả năng phán đoán của bé.
- Luật chơi:
- Chọn ra người giấu viên sỏi (viên bi) trong lòng bàn tay.
- Nếu người chơi đoán đúng hoặc không đúng được tay nào nắm viên sỏi (viên bi) thì tùy vào quy định của cuộc chơi có thể được thưởng hoặc bị phạt.
- Cách chơi: Người quản trò sẽ giấu viên sỏi (viên bi) trong lòng bàn tay, đưa hai tay ra phía trước vừa xoay vòng vừa hát bài đồng dao:
“Tập tầm vông tay không tay có
Tập tầm vó tay có tay không
Tay không tay có, tay có tay không…”
Sau đó đưa hai tay ra sau lưng, chuyển viên sỏi (viên bi) từ tay này qua tay kia hoặc giữ vị trí cũ và hát câu cuối: “Đố ai đoán được đang ở trong tay nào?” rồi đưa hai tay đang nắm chặt ra phía trước cho mọi người bắt đầu đoán. Những người chơi còn lại sẽ đoán xem viên sỏi (viên bi) đang nằm trong tay nào.
- Lưu ý khi chơi: Khi chơi xong, ba mẹ nên cất viên sỏi (viên bi) ở chỗ cẩn thận, tránh xa tầm với của bé, cũng không nên vứt viên sỏi (viên bi) bừa bãi ra xung quanh, có thể gây trơn trượt nếu giẫm phải.
5. Trò chơi Oẳn tù tì (Kéo-búa-lá)
- Tác dụng: giúp rèn luyện khả năng phản xạ nhanh của mắt và tay cũng như sự phán đoán của trẻ.
- Luật chơi:
- Luật thắng - thua: Búa thắng kéo - Kéo thắng lá - Lá thắng búa.
- Người chơi phải cùng lúc ra ký hiệu, không được ra ký hiệu nhanh quá hoặc chậm quá.
- Người thua phải chịu hình phạt do người thắng đưa ra.
- Cách chơi: Người chơi quay mặt vào nhau, tay nắm chặt và cùng đọc:
“Oẳn tù tì ra cái gì?
Ra cái này!”
Khi kết thúc lời đọc, mọi người cùng lúc đưa ra ký hiệu: nắm bàn tay là cái búa, xòe bàn tay là chiếc lá, xòe hai ngón trỏ và ngón giữa là cái kéo. Dựa vào luật thắng - thua để tìm ra người thắng và người thua.
- Lưu ý khi chơi: Ba mẹ nên lựa chọn khoảng thời gian thích hợp để chơi cùng bé.
6. Trò chơi Trốn tìm
- Tác dụng: Rèn luyện sự tập trung cao độ cho bé, khả năng nhạy bén của thính giác và sự phán đoán của trẻ.
- Luật chơi: Trong thời gian quy định, người đi tìm sẽ đi tìm những người còn lại, nếu tìm thấy người nào đầu tiên thì người đó thua cuộc và phải làm người đi tìm trong lần chơi tiếp. Người đi tìm trong thời gian quy định tìm thấy hết những thành viên khác sẽ thắng cuộc.
- Cách chơi: Chơi bốc thăm hoặc oẳn tù tì tìm ra người đi tìm. Người đi tìm sẽ nhắm mắt thật chặt (có thể úp mặt vào tường) và đọc: “5-10-15-20…100” và hỏi to “Xong chưa?” sau đó sẽ đi tìm. Các thành viên còn lại khi người đi tìm đang đọc thì phải nhanh chân chạy đi trốn.
- Lưu ý khi chơi: Chọn thời gian chơi phù hợp và quy định địa điểm trốn tìm, tránh những nơi có nhiều nguy hiểm như: khu vực bếp, ban công,...
7. Trò chơi Nu na nu nống
- Tác dụng: Giúp các bé vừa học đếm vừa học hát, biết cách chơi vui vẻ, đoàn kết với mọi người xung quanh.
- Luật chơi:
- Người quản trò đọc đến mỗi từ của bài đồng dao sẽ đập nhẹ tay vào chân từng thành viên. Nếu từ cuối cùng, trúng vào chân ai thì người đó co nhanh một chân lại
- Cả hai chân của người nào co lên trước sẽ là người chiến thắng.
- Cách chơi: Mọi người ngồi dàn thành một hàng ngang, duỗi chân ra phía trước người quản trò đọc bài đồng dao sau:
“Nu na nu nống
Đánh trống phất cờ
Mở hội thi đua
Thi chân đẹp đẽ
Chân ai sạch sẽ
Gót đỏ hồng hào
Không bẩn tí nào
Được vào đánh trống.”
Đọc mỗi từ trong bài đồng dao được lấy tay đập nhẹ vào một chân, bắt đầu từ đầu tiên của bài đồng dao là từ “nu” sẽ đập nhẹ vào 1 chân của người thứ nhất, từ “na” sẽ đập vào chân 2 của người thứ hai, tiếp theo đến chân của người thứ ba… theo thứ tự đến người cuối cùng rồi quay ngược lại cho đến từ “trống”, tay đập nhẹ vào chân nào thì chân đó sẽ co lên.
Lưu ý khi chơi: Để tránh xảy ra tranh cãi khi tham gia trò chơi ba mẹ cần phổ biến luật chơi cho tất cả các bé tham gia đều hiểu.
8. Trò chơi Kéo cưa lừa xẻ
- Tác dụng: Giúp bé phát triển khả năng ngôn ngữ, có sự hiểu biết về nghề thợ mộc.
- Cách chơi: Hai người ngồi đối diện nhau, tay nắm lấy tay của nhau, hai bàn chân có thể đẩy vào chân nhau (hoặc không) và bắt đầu hát bài đồng dao, vừa hát vừa một tay đẩy một tay kéo như đang cưa một khúc gỗ ở giữa 2 người.
“Kéo cưa lừa xẻ
Ông thợ nào khỏe
Về ăn cơm vua
Ông thợ nào thua
Về bú tí mẹ”
Trò chơi này hoàn toàn không có phân định thắng thua. Tuy nhiên có thể tăng độ hấp dẫn, vui vẻ của trò chơi bằng cách bổ sung quy định là : ở cuối bài hát, người chơi nào bị đẩy khi hát đến từ “ mẹ” sẽ bị chê đùa là “ bú tí mẹ”.
- Lưu ý khi chơi: Chọn địa điểm bằng phẳng để ngồi chơi được thoải mái.
9. Trò chơi Lộn cầu vồng
- Tác dụng: Phát triển ngôn ngữ, sự vận động cho bé.
- Cách chơi: Hai người đứng đối diện và nắm tay nhau đưa sang hai bên theo nhịp:
“Lộn cầu vồng
Nước trong nước chảy
Có cô mười bảy
Có chị mười ba
Hai chị em ta
Cùng lộn cầu vồng”
Đọc đến câu cuối cùng, cả hai cùng giơ tay lên đầu, chui qua tay nhau về một phía, quay lưng vào nhau, hạ tay xuống dưới rồi tiếp tục đọc lần hai, cách vung tay cũng giống như lần một, đọc đến tiếng cuối cùng lại chui qua tay nhau, lộn trở lại tư thế ban đầu.
- Lưu ý khi chơi: Hai người chơi phải có chiều cao tương đối nhau, tránh người cao quá người thấp quá sẽ không thể chơi được trò chơi này